CÁC LỖI THƯỜNG GẶP VÀ NHỮNG LƯU Ý
KHI DỊCH THUẬT
Hiện nay xã hội ngày càng tiến bộ, vì vậy nhu cầu phiên dịch và biên dịch ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc chuyển đổi văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác vốn dĩ đã khó, còn đòi hỏi sự chính xác và sự hiểu biết về khác biệt văn hóa để có thể truyền tải thông điệp một cách tốt nhất có thể. Việc mắc lỗi trong quá trình dịch thuật là việc không thể tránh khỏi, do đó chúng ta nên lưu ý đến một vài yếu tố sau.
1. Các lỗi thường gặp khi dịch thuật
- Lỗi dịch nguyên văn theo nghĩa đen
Được gọi là dịch theo cách “word by word” là lỗi dịch thuật phổ biến hay gặp phải. Có lẽ vì sợ dịch thoát nghĩa của từ đó sẽ sai lệch đi bản dịch nên thường dịch sát nghĩa theo thứ tự từng chữ một, giữ nguyên độ dài câu lẫn sử dụng các dấu câu như trong văn bản gốc và ít chú trọng tới việc diễn giải ý nghĩa của bản gốc sang ngôn ngữ đích sao cho bám sát với văn phong. Điều đó làm cho nội dung bản dịch bị dài dòng, không trôi chảy, nên cần tìm hiểu kỹ chủ đề chuyên ngành mà bạn dịch để làm cho bản dịch của mình trở nên phóng khoáng hơn và sâu sắc hơn.
- Lỗi không theo văn phong phù hợp
Đây cũng là lỗi dịch thuật phổ biến tiếp theo mà những dịch thuật viên mắc phải. Do xa lạ với phong cách của ngôn ngữ gốc, bạn sẽ dịch văn bản một cách máy móc mà không suy nghĩ nội dung bài dịch có phù hợp với phong cách của tác giả hay không. Điều đầu tiên dịch thuật viên phải tìm hiểu phong thái của bài viết thuộc thể loại văn bản nào để từ đó truyền tải trọn vẹn ý nghĩa và phong cách bài viết mang lại.
- Về các lỗi ngôn ngữ hay gặp
o Dùng từ ngữ không chính xác. Các bạn dịch tất tần tật những từ mà không chú ý rằng có từ ta không thể dịch sang nghĩa tiếng khác được. Lấy ví dụ như “Áo dài” Việt Nam không thể dịch sang tiếng anh hay tiếng nào khác vậy. Bởi vì có những từ liên quan đến trình độ văn hóa hay tôn giáo nhất định của một quốc gia nào đó nên khi ta cố dịch sẽ dẫn đến sai văn cảnh và câu dịch trở nên méo mó, sai lệch.
o Chọn nghĩa từ không phù hợp. Vấn đề hay gặp trong việc sử dụng từ điển. Bạn có lẽ vội vàng quyết định ngay nghĩa đầu tiên của từ mà không xét đến ý nghĩa khác có thể phù hợp hơn trong văn cảnh của từ đa nghĩa này.
o Chọn từ đồng nghĩa không phù hợp. Tiếng Việt rất đa dạng và phong phú, một từ có thể có rất nhiều từ tương đương, nhưng nếu chọn sai từ đồng nghĩa trong bản dịch thì sẽ không hợp với văn cảnh và đôi khi dẫn đến một nghĩa hoàn toàn khác với văn bản gốc.
o Chọn giới từ không thích hợp. Trong tiếng Việt, mỗi giới từ đều có một nghĩa xác định không chịu ảnh hưởng của danh từ, tính từ hay động từ đi liền với nó. Trái lại, nghĩa của giới từ trong tiếng Anh phụ thuộc vào các từ bao quanh nên việc chọn giới từ ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa thông điệp trong bản dịch.
o Lược bỏ đi hình thức số nhiều. Lỗi dịch này không chỉ đề cập đơn thuần đến lỗi trong hình thành danh từ mà phản ánh lỗi diễn giải văn bản nguồn. Có thể dễ dàng nhận ra khó khăn thường gặp là trong việc nhận diện số của danh từ trong văn bản Việt khi không có các quán từ chỉ số lượng đứng trước. Đôi khi, vấn đề không nằm ở hiểu biết của người dịch về sự khác nhau giữa hình thức số ít và số nhiều của từ mà do không nhận ra được ý nghĩa của từ trong văn bản gốc đang nói đến là số ít hay số nhiều.
o Lỗi cấu trúc. Trong khi dịch văn bản, bạn mắc lỗi khi giữ nguyên cấu trúc trong văn bản gốc, do đó gây ra sự khó hiểu trong bản dịch. Rõ ràng, việc quá chú trọng vào cấu trúc của văn bản nguồn khiến cho nhiều bản dịch mất đi sự logic và mạch lạc cần có trong ngôn ngữ đích.
- Lỗi truyền tải. Dạng lỗi này biểu hiện khi bạn không thể diễn đạt ý nghĩa của văn bản nguồn trong văn bản đích, hoặc làm mất đi một vài nét nghĩa của văn bản nguồn mặc dù câu chuẩn mực về cấu trúc – từ vựng. Ví dụ như bạn sử dụng các thuật ngữ chuyên môn hay từ ngữ không thể hiện được sự trang trọng trong văn bản mang phong cách báo chí, hay các cách diễn đạt không phù hợp với văn hóa.
- Lỗi bỏ không dịch một phần của văn bản nguồn. Thể hiện qua việc không thể diễn giải được cụm từ vì thế quyết định chỉ dịch một phần của cụm từ khiến cho ý nghĩa của câu văn bị biến đổi.
- Lỗi diễn giải không chuẩn xác cụm từ hay thành ngữ. Dịch sát nghĩa của các từ theo đúng nghĩa gốc trong từ điển mà không xét chúng trong ngữ cảnh của câu; do đó không thể diễn giải đúng ý định của văn bản gốc.
2. Những lưu ý khi dịch thuật
- Sự hiểu biết về khác biệt văn hóa. Một yếu tố quan trọng là phải có hiểu biết đa dạng các nền văn hóa mà bạn đang làm việc. Nếu không có tiếp xúc văn hóa, quá trình dịch thuật của bạn có thể trở nên khó khăn và sẽ dẫn tới những tình huống bế tắc. Ví dụ, nếu bạn đang dịch một quảng cáo thì bạn cần phải suy xét kỹ một số cụm từ có thể không được chấp nhận tại một số đất nước nào đó. Trong trường hợp này, cách giải quyết là bạn phải biết cách thích nghi và cố gắng cân bằng các yếu tố văn hóa.
- Không nên quá tự tin. Chủ quan về kinh nghiệm của mình, tự tin thái quá mà khi dịch bài không xem lại bài dịch và không chú ý đến các thuật ngữ mới xuất hiện trong bài. Bạn luôn cần phải dành thời gian để kiểm tra lại bản dịch một vài lần.
- Thay đổi thứ tự từ phù hợp, sắp xếp lại các cụm từ sao cho đúng với bài dịch. Viết lại các cụm từ hoặc câu để chúng là từ đúng trong ngôn ngữ đích và truyền tải một thông điệp với cùng một cảm giác hoặc cường độ với văn bản gốc.
- Làm một việc gì đó cũng cần phải có sự nhiệt tình và phù hợp với bản thân. Dịch văn bản cũng vậy, nếu thiếu nhiệt tình trong quá trình dịch thuật sẽ cảm thấy nhàm chán và bài dịch đó sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Cuối cùng, mong những điều này sẽ trở nên hữu ích, giúp bạn chú ý và khắc phục để trở nên hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn.
Tác giả: Hoa Nghi + Anh Thư
0 Nhận xét